sattoadmin
Tabs
Tin tức liên quan
Trong thời đại ngày nay, việc quản lý một doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở việc tối ưu hóa lợi nhuận mà còn phải cân nhắc đến các yếu tố xã hội, môi trường và quản trị (ESG). Việc tích hợp ESG vào chiến lược kinh doanh không chỉ giúp tăng cường hình ảnh công ty mà còn tạo ra lợi ích bền vững dài hạn cho cả doanh nghiệp và cộng đồng. Điều này đã dẫn đến sự gia tăng về sự nhận thức và sự quan tâm đến ESG từ phía các nhà đầu tư, khách hàng và cả chính phủ, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững toàn cầu.
Khái niệm ESG
Mặc dù các hoạt động đầu tư/kinh doanh bền vững đã tồn tại từ giữa thế kỷ 20, thuật ngữ "ESG" chỉ trở nên phổ biến và lần đầu tiên được sử dụng rộng rãi trong báo cáo "Who Cares Wins" của Liên Hợp Quốc. Báo cáo này đưa ra mô tả về cách tích hợp các yếu tố ESG vào hoạt động của công ty, phân chia khái niệm này thành ba phần chính, bao gồm:
- Chữ E (môi trường) trong ESG: là các tiêu chí liên quan đến môi trường, bao gồm năng lượng mà công ty sử dụng và chất thải mà công ty thải ra, các nguồn tài nguyên mà công ty cần và hậu quả đối với các sinh vật.
- Chữ S (xã hội) trong ESG: đề cập đến các mối quan hệ mà công ty bạn có và danh tiếng mà công ty xây dựng với mọi người và các tổ chức trong cộng đồng nơi bạn kinh doanh.
- Chữ G (quản trị) trong ESG: là hệ thống thực hành, kiểm soát và thủ tục nội bộ mà công ty áp dụng để tự quản lý, đưa ra quyết định hiệu quả, tuân thủ luật pháp và đáp ứng nhu cầu của các bên liên quan bên ngoài.
Giá trị của tuân thủ ESG
Vậy cụ thể, ESG sẽ mang lại cho doanh nghiệp những giá trị cụ thể nào? Chúng ta sẽ khám phá điều này thông qua việc so sánh giữa các doanh nghiệp có mức độ thực thi ESG cao và thấp.
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
- Tăng trưởng kinh doanh:
Với chi phí kinh doanh ngày càng tăng hiện nay, việc giữ chân khách hàng sẽ càng trở nên quan trọng. ESG có thể là câu trả lời mà nhiều công ty đang tìm kiếm để tạo sự khác biệt so với đối thủ.
Theo một khảo sát của McKinsey, khách hàng sẵn lòng chi thêm 5% cho các "sản phẩm xanh" nếu chúng đáp ứng các tiêu chuẩn hoạt động tương tự như một sản phẩm thay thế "không xanh". Đặc biệt đối với thế hệ Gen Z và Millennial, họ thường đưa ra quyết định mua hàng dựa trên các giá trị và nguyên tắc ESG và sẵn lòng chi thêm 10% cho các sản phẩm bền vững (Forbes, 2021). Với 83% các công ty đầu tư vào ESG báo cáo khả năng giữ chân khách hàng được cải thiện, trung bình, các doanh nghiệp theo đuổi giá trị ESG đạt tăng trưởng doanh thu trung bình là 10% và lợi nhuận tương ứng đạt 9.1%. Ví dụ, khi Unilever phát triển Sunlight, thương hiệu nước rửa chén sử dụng ít nước hơn nhiều so với các nhãn hiệu khác, doanh thu của Sunlight và các sản phẩm tiết kiệm nước khác của Unilever đã vượt xa tốc độ tăng trưởng danh mục hơn 20% ở một số thị trường khan hiếm nước.
Ngoài ra, các công ty thể hiện giá trị ESG cao có cơ hội tiếp cận các cơ hội và thị trường mới. Khi các cơ quan quản lý, chính phủ tin tưởng vào các hoạt động bền vững của doanh nghiệp, họ thường có chiều hướng cung cấp cơ hội tiếp cận, phê duyệt, và cấp phép cho các dự án phát triển mới của doanh nghiệp. Theo Khoản 10, Điều 5, Luật BVMT số số 72/2020/QH14, khi xem xét phân loại dự án đầu tư phải xác định rõ và sáng lọc các dự án đầu tư dựa theo các tiêu chí về môi trường.
2. Giảm thiểu chi phí
Việc thực thi ESG hiệu quả có thể giúp giảm thiểu đáng kể chi phí hoạt động ngày càng tăng, như chi phí nguyên vật liệu như điện và nước. Một nghiên cứu của McKinsey đã chỉ ra rằng việc này có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận hoạt động lên đến 60%. Mặc dù việc xây dựng một nhà máy đáp ứng tiêu chuẩn xanh có thể tăng chi phí lên đến 25% so với một nhà máy thông thường, nhưng trong ngắn hạn, doanh nghiệp sẽ không phải khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên của địa phương, chẳng hạn như đất đai hay nguồn nước ngầm cho quá trình xây dựng. Về dài hạn, việc này sẽ giúp tăng tuổi thọ của nhà máy, kéo dài chu kỳ sử dụng các thiết bị và giảm chi phí trong quá trình sản xuất, từ đó tăng cường sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường xuất khẩu.
Ví dụ, Tập đoàn 3M, một nhà sản xuất và phân phối nhiều loại sản phẩm, bao gồm vật liệu xây dựng, chất kết dính, vật tư y tế và vệ sinh nhà cửa, đã tiết kiệm lên đến $2.2 tỷ từ 1975 thông qua việc tái cấu trúc sản phẩm, cải tiến quy trình sản xuất, tái chế và tái sử dụng chất thải từ quá trình sản xuất.
Ngoài ra, Vinamilk, thông qua việc đầu tư phần mềm quản lý vận hành để tăng hiệu suất, tối ưu năng lượng cho máy móc thiết bị, sử dụng robot LGV thay thế xe nâng cũ đã giảm tới 62% khí thải phát ra, hay hệ thống thu hồi nhiệt giúp thu hồi tới 92% lượng nhiệt dư thừa và tái sử dụng giúp tiết kiệm điện. Tại các trang trại, Vinamilk cũng đã triển khai hệ thống xử lý chất thải biogas tiên tiến. Hàng chục tấn chất thải từ hàng nghìn con bò được xử lý thông qua hệ thống này, tạo ra phân bón hữu cơ, khí đốt và nước tưới. Các sản phẩm này sau đó được sử dụng trong các hoạt động khác trên trang trại, góp phần vào việc tái sử dụng tài nguyên và giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.
3. Giảm thiểu áp lực can thiệp của quy định và pháp lý
Theo phân tích của McKinsey, khoảng 1/3 lợi nhuận của các tập đoàn đang phải chịu áp lực từ các hoạt động can thiệp của chính phủ, với mức độ này thay đổi tùy thuộc vào từng ngành. Trong ngành công nghiệp dược phẩm và chăm sóc sức khỏe, lợi nhuận bị đe dọa ước tính là từ 25 đến 30%. Trong lĩnh vực ngân hàng, nơi yêu cầu vốn và bảo vệ người tiêu dùng là rất quan trọng, giá trị lợi nhuận bị đe dọa thường cao, từ 50 đến 60%. Đối với các ngành công nghiệp như ô tô, hàng không vũ trụ, quốc phòng và công nghệ, nơi trợ cấp của chính phủ là phổ biến, mức độ này có thể lên tới 60%. Theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP, doanh nghiệp có thể bị xử phạt hành chính từ mức thấp nhất là vài chục triệu đồng đến mức cao nhất là 01 đến 02 tỉ đồng nếu vi phạm các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Tại Việt Nam, đã có rất nhiều Tập đoàn và Doanh nghiệp đã bị xử phạt hành chính, và/hoặc đình chỉ hoạt động do các vi phạm về môi trường (Sunhouse, Formosa...) và quan hệ cổ đông/nhân viên (FLC, CTCP ROX Living, CTCP Chứng khoán Stanley Brothers...)
4. Gia tăng năng suất làm việc
Việc thực thi ESG hiệu quả có thể giúp các công ty thu hút và giữ chân nhân viên chất lượng, nâng cao động lực của nhân viên bằng cách thấm nhuần mục đích và tăng năng suất tổng thể. Sự hài lòng của nhân viên có mối tương quan tích cực với lợi nhuận của cổ đông. Theo Alex Edmans (Trường Đại học Kinh doanh London), các công ty trong danh sách "Top 100 Công ty tốt nhất để làm việc" có thể tạo ra từ 2.3-3.8% lợi nhuận cổ phiếu cao hơn so với các công ty cùng ngành. Nghiên cứu của Delmas & Pekovic (2012) chỉ ra rằng, các công ty áp dụng các tiêu chuẩn ESG (VD: ISO 14001) sẽ có năng suất lao động cao hơn. Họ thừa nhận rằng năng suất cao hơn này bắt nguồn từ sự cam kết lớn hơn của nhân viên đối với công ty cũng như cũng như việc tăng cường đào tạo có thể nảy sinh từ việc áp dụng các tiêu chuẩn. Tương tự, Peterson (2004) cũng chỉ ra rằng nhân viên báo cáo thái độ làm việc tốt hơn và cam kết nhiều hơn với công ty khi công ty đó được coi là tuân thủ chặt chẽ với các nguyên tắc ESG.
5. Tối ưu hoá và thu hút nguồn vốn đầu tư
Tuân thủ ESG có thể nâng cao lợi nhuận đầu tư bằng cách phân bổ vốn cho những cơ hội hứa hẹn hơn và bền vững hơn (ví dụ, năng lượng tái tạo, giảm thiểu chất thải). Tiếp tục đầu tư và dựa vào các nhà máy, thiết bị tiêu hao nhiều năng lượng có thể khiến công ty gặp rủi ro thu hồi vốn trong dài hạn. Các chính sách, quy định về lượng khí thải có thể sẽ ảnh hưởng đến chi phí năng lượng và đặc biệt có thể ảnh hưởng đến bảng cân đối kế toán trong các ngành công nghiệp sử dụng nhiều carbon. Các lệnh cấm hoặc hạn chế đối với những thứ như nhựa sử dụng một lần hoặc ô tô chạy bằng diesel sẽ tạo ra những hạn chế mới về nhiều mặt cho các doanh nghiệp.
Ngoài ra, nhiều ngân hàng và các quỹ đầu tư quốc tế hiện xem bộ tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG) ngày càng trở nên quan trọng trong các quyết định đầu tư của họ. Do đó, nếu các dự án và doanh nghiệp không đáp ứng được các tiêu chuẩn ESG sẽ rất khó để tiếp cận nguồn vốn. Theo khảo sát của (PwC, 2021), 79% nhà đầu tư coi rủi ro và cơ hội ESG là yếu tố quan trọng trong việc ra quyết định đầu tư. Các nhà đầu tư hiện đang tìm cách cân bằng trách nhiệm của họ đối với nhân loại và hành tinh cũng như cam kết chính của họ với khách hàng, đó là tạo ra lợi nhuận kỳ vọng tối đa. Khi đánh giá các khoản đầu tư trên cơ sở lợi nhuận có rủi ro (ví dụ: Tỷ lệ Sharpe), các khoản đầu tư ESG có thể được kỳ vọng sẽ hấp dẫn hơn so với các lựa chọn thay thế "không phải ESG" có khả năng tạo ra lợi nhuận tương tự.
Tổng kết lại, việc tích hợp các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG) vào chiến lược kinh doanh không chỉ là một xu hướng mà còn là một nhu cầu tất yếu trong thời đại ngày nay. Việc thúc đẩy phát triển bền vững thông qua việc tích hợp ESG vào hoạt động kinh doanh không chỉ là cam kết của doanh nghiệp đối với tương lai của hành tinh và xã hội, mà còn giúp doanh nghiệp thu hút và giữ chân khách hàng, giảm thiểu chi phí hoạt động, giảm áp lực pháp lý mà còn tăng cường năng suất làm việc và thu hút nguồn vốn đầu tư. Đặc biệt, với sự tăng trưởng của những nguyên tắc này, các doanh nghiệp có thể thấy một sự gia tăng đáng kể trong hiệu suất tài chính và cơ hội mở rộng thị trường.
Nguồn tham khảo: McKinsey
Sưu tầm và tổng hợp: Lưu Trọng Hiếu - CTCP KisStartup
#KisStartup #greenexport.vn #xuatkhau #xuatkhauxanh #benvung #ESG